Phân loại các khách hàng ở Nhật: Hiểu đúng để quản lý dự án hiệu quả (Phần 1)

 Xin chào các bạn,

Trong quá trình làm việc và tiếp xúc với nhiều dự án khác nhau, mình đã có cơ hội hợp tác với nhiều loại khách hàng tại Nhật. Hôm nay, mình sẽ chia sẻ cách phân loại khách hàng theo từng nhóm để các bạn có thể nắm bắt đặc điểm của mỗi loại, từ đó dễ dàng xử lý và làm hài lòng khách hàng hơn, đặc biệt khi đi onsite hay làm việc từ xa (offshore).

Mỗi loại khách hàng có tiêu chuẩn và yêu cầu về chất lượng dự án khác nhau. Vì vậy, việc hiểu rõ đặc điểm của từng nhóm sẽ giúp các bạn tự tin hơn khi tiếp cận khách hàng mới.

Khách hàng là các công ty SI (System Integration)

1 Công ty SI là gì?

Công ty SI


Công ty SI (System Integration) là một khái niệm mình đã đề cập nhiều trong blog nhưng chưa có dịp giải thích kỹ. Công ty SI chuyên cung cấp dịch vụ tích hợp hệ thống IT cho các công ty thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, đặc biệt là các công ty không chuyên về công nghệ thông tin (non-IT).

Đặc thù của công ty SI là triển khai các giải pháp công nghệ thông tin theo yêu cầu của khách hàng. Chẳng hạn, khi một công ty cần hệ thống chấm công cho nhân viên, công ty SI sẽ phân tích yêu cầu, thiết kế và triển khai giải pháp phù hợp.

Họ không chuyên sâu vào một lĩnh vực cụ thể mà tập trung vào việc cung cấp các giải pháp công nghệ đa dạng, phù hợp với nhiều ngành nghề. Ví dụ, FPT là một công ty SI của Việt Nam hoạt động tại Nhật. Ngoài ra, còn có những công ty lớn khác như Systena, NTTData,...

2 Phân loại công ty SI

Có 4 loại công ty SI
  • SI là công ty con của công ty sản xuất phần cứng
  • SI là công ty con của công ty end-user
     (công ty mẹ làm về mảng final, bán lẻ ...)
  • SI độc lập (không là công ty con của công ty nào cả)
  • SI ngoại (tập đoàn nước ngoài mở công ty con)
Hãy cùng so sánh 4 loại công ty này

2.1 SIer thuộc tập đoàn sản xuất phần cứng

  • Đặc điểm chính: Các công ty này được thành lập từ các bộ phận hệ thống thông tin của các tập đoàn sản xuất phần cứng như máy tính. Họ đã tách ra khỏi công ty mẹ để trở thành doanh nghiệp độc lập.
  • Lĩnh vực kinh doanh: Đề xuất giải pháp và phát triển hệ thống kết hợp phần cứng của công ty mẹ. Họ có khả năng hỗ trợ toàn diện từ phần cứng đến phần mềm, tạo ra sự thuận lợi khi giải quyết các vấn đề của người dùng.
  • Ví dụ: NEC Solution Innovators, Fujitsu FIP, Toshiba Digital Solutions.

2.2 SIer thuộc công ty end-user

  • Đặc điểm chính: Công ty mẹ không phải là các tập đoàn sản xuất phần cứng mà là các công ty trong lĩnh vực thương mại, tài chính hoặc sản xuất.
  • Lĩnh vực kinh doanh: Phát triển giải pháp và hệ thống cho các công ty trong tập đoàn. Vai trò của họ thường gần gũi hơn với người dùng cuối và lĩnh vực cụ thể mà họ phục vụ.
  • Ví dụ: Nippon Steel Solutions, Sakura Information Systems, JR System.

2.3 SIer độc lập

  • Đặc điểm chính: Các công ty này hoạt động không có công ty mẹ và phát triển hệ thống một cách độc lập. Nhiều công ty được thành lập bởi các nhân viên từ các tập đoàn lớn trong ngành thương mại, tài chính hoặc sản xuất.
  • Lĩnh vực kinh doanh: Họ phục vụ nhiều ngành nghề và doanh nghiệp khác nhau. Điểm mạnh của họ là có thể đưa ra các giải pháp hệ thống không phụ thuộc vào nhà cung cấp phần cứng hoặc phần mềm.
  • Ví dụ: Fuji Soft, TIS, Transcosmos.

2.4 SIer ngoại - thuộc doanh nghiệp nước ngoài

  • Đặc điểm chính: Đây là các công ty nước ngoài lớn, hoạt động tại Nhật Bản với mục tiêu mở rộng thị trường.
  • Lĩnh vực kinh doanh: Họ phát triển giải pháp cho các tập đoàn lớn có chi nhánh toàn cầu và triển khai các giải pháp đã thành công ở nước ngoài.
  • Ví dụ: IBM, Oracle, SAP.

3 Đặc điểm dự án của công ty SI

Phần lớn các dự án offshore ở Việt Nam xuất phát từ các công ty SI. Dự án thường tập trung vào giai đoạn coding và testing, khi mà đội offshore chỉ thực hiện một phần của dự án lớn từ phía SI. Do đó, yêu cầu về tiến độ và chất lượng rất cao để không ảnh hưởng đến tổng thể dự án.

Vì công ty SI không phải là end-user (người dùng cuối), nên họ thường chịu trách nhiệm lớn với dự án, nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiều quyết định vẫn phụ thuộc vào end-user.

Ưu điểm của dự án với công ty SI:

  • Khách hàng nắm rõ yêu cầu và mục tiêu khi giao việc cho offshore.
  • Kinh nghiệm quản lý dự án tốt, theo dõi tiến độ sát sao.
  • Khách hàng chủ động tham gia dự án, phản hồi nhanh chóng về các câu hỏi.
  • Hiểu biết kỹ thuật tốt, giúp quá trình trao đổi và báo cáo trở nên dễ dàng hơn.
  • Xử lý tranh chấp nhanh hơn, dễ dàng hơn nếu có vấn đề xảy ra (như tranh cãi về hợp đồng hay bồi thường).

Nhược điểm:

  • Đơn giá thấp và dễ bị ép giá, dẫn đến lợi nhuận không cao.
  • Kiểm soát chặt chẽ cả về tiến độ và chất lượng.
  • Công việc mang tính chất gia công nhiều hơn, ít cơ hội sáng tạo vì chỉ cần làm theo thiết kế chi tiết.
  • Phụ thuộc nhiều vào yêu cầu của end-user, dễ bị thay đổi trong quá trình thực hiện.
  • Khó khăn trong việc xin thêm kinh phí khi có phát sinh.

4 Những điểm cần lưu ý khi làm dự án với công ty SI

Giao tiếp (Communication): Các công ty SI thường yêu cầu giao tiếp chặt chẽ với lượng thông tin trao đổi lớn, bao gồm báo cáo hàng ngày và họp thường xuyên.

Chất lượng: Công việc của offshore chỉ là một phần nhỏ trong tổng thể dự án của công ty SI, nhưng được theo dõi sát sao và yêu cầu chất lượng rất cao.

Thời hạn (Deadline): Khá nghiêm ngặt.

Đơn giá: Thường thấp hơn so với các loại khách hàng khác, tùy vào loại dự án là "請負" hay "ラボ" (dự án trọn gói hay dự án tính tiền theo material).

Điểm cần lưu ý: Khách hàng SI đóng vai trò trung gian giữa team offshore và end-user. Nếu có vấn đề từ phía end-user, team offshore cũng có thể phải chịu trách nhiệm. 

Vì vậy, hãy luôn chủ động trao đổi với khách hàng để nắm bắt vấn đề của end-user và cùng tìm giải pháp. 

Đối với các yêu cầu thay đổi, cần thỏa thuận một ngưỡng nhất định để có thể đàm phán về chi phí nếu phát sinh.


5 Hỏi đáp

Lương của SE bên công ty SI có cao không?
Không cao nếu so với BrSE Việt Nam ở Nhật.

Carrer path của SE ở công ty SI như thế nào?
Sau khi vào công ty làm Dev được 3-5 năm, có thể thăng tiến lên vị trí 主務, ở vị trí này, nhân viên không còn chăm chăm vào code, mà sẽ tập trung nhiều hơn vào quản lý vendor làm dự án, bao gồm cả offshore.

Có nên vào công ty SI để học hỏi thêm kinh nghiệm không?
Nếu mới ra trường, các bạn hoàn toàn có thể tham gia vào công ty SI để tích lũy thêm kinh nghiệm. Đây là môi trường tốt, có quy trình chuẩn chỉnh (đặc biệt là công ty lớn) nên các bạn sẽ tiến bộ rất nhanh.
Nhưng sau 1 thời gian, carrer path sẽ bị chững lại sau khi lên tới vị trí leader. Sau khi quen với vị trí này, bạn hoàn toàn có thể đổi công ty để đảm nhận các vai trò khác thách thức hơn.

Trên đây mình đã trình bày về 1 trong những loại khách hàng offshore phổ biến nhất, hy vọng các bạn đã hiểu được căn bản khái niệm cũng như cách làm việc với khách hàng này.

Phần 2, các bạn có thể đón đọc ở đây.

Chúc các bạn thành công.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thi Outsystems có khó không? Kinh nghiệm thi OutSystems - Outsystems Associate Reactive Developer

Chứng chỉ Outsystems là gì? Gồm bao nhiêu loại? Đặc điểm và giá tiền